Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu phát triển của người học, giáo dục phổ thông đã và đang được đổi mới mạnh mẽ là: Học để biết, Học để làm, Học để tự khẳng định mình và Học để cùng chung sống. Mục tiêu của giáo dục phổ thông đã và đang chuyển hướng từ chủ yếu là trang bị kiến thức sang trang bị những năng lực cần thiết cho các em học sinh. Phương pháp giáo dục phổ thông cũng đã và đang được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Nội dung giáo dục kĩ năng sống đã được tích hợp trong một số môn học như Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội,…
Cùng với kiến thức cơ bản về con người, về tự nhiên và xã hội, việc giáo dục kĩ năng sống qua môn Tự nhiên và Xã hội sẽ góp phần không chỉ khắc sâu thêm các kiến thức của môn học mà còn hình thành thái độ và hành vi tích cực, phù hợp, cần thiết giúp học sinh có thể ứng xử có hiệu quả các tình huống thực tế trong cuộc sống.
Để giáo dục kĩ năng sống trong môn Tự nhiên và xã hội có hiệu quả, GV cần:
1. Xác định rõ mục tiêu để có thể giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong môn Tự nhiên và Xã hội đạt kết quả tốt. Việc giáo dục kĩ năng sống trong môn Tự nhiên và Xã hội nhằm giúp học sinh:
- Tự nhận thức và xác định được giá trị của bản thân mình, biết lắng nghe, ứng xử phù hợp ở một số tình huống liên quan đến sức khoẻ bản thân, các quan hệ trong gia đình, nhà trường, trong tự nhiên và xã hội.
- Biết tìm kiếm, xử lý thông tin và phân tích, so sánh để nhận diện, nêu nhận xét về các sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội.
- Hiểu và vận dụng các kĩ năng trên
2. Nắm chắc các kĩ năng sống chủ yếu được giáo dục trong môn Tự nhiên và xã hội.
Dựa trên các nội dung của môn học về con người và sức khoẻ, về tự nhiên và xã hội, có rất nhiều kĩ năng sống được giáo dục trong môn Tự nhiên và Xã hội. Tuỳ theo nội dung của bài học mà giáo viên lựa chọn những kĩ năng sống phù hợp như kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng tự phục vụ và tự bảo vệ, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng giao tiếp, …
3. Để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, GV cần sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh được thực hành trải nghiệm kĩ năng sống trong quá trình học tập. Do vậy sẽ không làm nặng nề, quá tải thêm nội dung môn học mà ngược lại, còn làm cho giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn, thiết thực và bổ ích hơn đối với học sinh.
Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khi dạy môn Tự nhiên và Xã hội theo hướng tích cực là: quan sát, động não, đóng vai, thảo luận, giảng giải... Giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết cách quan sát, nêu thắc mắc, tìm tòi, phát hiện ra những kiến thức mới về tự nhiên và xã hội phù hợp với lứa tuổi của các em. Để đạt được mục đích đó, qua từng bài, khi soạn giáo án, giáo viên cần tập trung vào các hoạt động của học sinh sao cho học sinh được hoạt động là chính, giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn. Trong quá trình lên lớp, người giáo viên cần biết phối hợp các phương pháp dạy học một cách sáng tạo và linh hoạt.
4. Cần sáng tạo, thay đổi tiến trình một giờ học phù hợp với nhận thức và phát huy được tính tích cực, chủ động, óc tưởng tượng, sáng tạo của HS.
- Khám phá: Học sinh được trình bày những hiểu biết của mình về bài học. Từ đó, giáo viên mới giới thiệu vào bài.
- Kết nối: Thông qua hoạt động quan sát, thảo luận....học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới.
- Thực hành: Học sinh vận dụng những kiến thức đã tìm hiểu được để xử lí các tình huống liên quan đến bài học nhắm khắc sâu kiến thức.
- Vận dụng: Học sinh vận dụng những kiến thức vừa được học vào cuộc sống hàng ngày.
Tiến hành giờ dạy theo tiến trình này, học sinh có nhiều cơ hội để rèn luyện các kĩ năng sống hơn. Tham gia vào hoạt động khám phá, học sinh được rèn luyện kĩ năng tự nhận thức. Qua việc trình bày những hiểu biết của bản thân về vấn đề liên quan đến nội dung bài học, học sinh sẽ có những nhìn nhận, đánh giá về bản thân để xác định được mặt mạnh, mặt yếu của mình. Đồng thời cũng rèn cho các em sự mạnh dạn, tự tin khi trình bày những hiểu biết của mình trước các bạn và cô giáo.
Để đạt được mục đích trên, giáo viên cần tạo cho học sinh hứng thú học tập bằng cách lôi cuốn HS vào các hoạt động học tập, vui chơi... có nội dung học Tự nhiên và Xã hội phù hợp với nhận thức của HS. Do đó, việc giáo viên tổ chức tốt các hình thức dạy học, đặc biệt là hình thức trò chơi học tập bổ ích và lí thú sẽ góp phần tạo cho HS sự say mê, hứng thú trong học tập. Đồng thời góp phần hình thành các kĩ năng sống cơ bản cho HS. Giúp HS biết tự chăm sóc mình và tự tin hơn trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh.