Thực hiện chủ chương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, với mục tiêu “ chuyển mạnh phát triển giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện và phẩm chất người học”, nhà trường xác định việc đổi mới phương pháp dạy học là việc làm thiết yếu và quan trọng nhất. Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã triển khai giảng dạy môn Mĩ thuật theo phương pháp của Đan Mạch với các lớp từ khối 1 đến khối 5 từ tháng 9 năm 2016.
Đây là phương pháp phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Từ đó các em có thể hình thành và phát triển các năng lực:
+ Biểu đạt sáng tạo và giao tiếp thông qua hình ảnh.
+ Khám phá, hiểu đề cao văn hóa thông qua nghệ thuật thị giác.
+ Hình thành các kĩ năng sống và phát triển năng lực cá nhân thông qua việc học môn Mĩ thuật.
+ Yêu thích cái đẹp và biết vận dụng vào cuộc sống sinh hoạt , học tập hằng ngày.
Môn Mĩ thuật trong nhà trường tiểu học không nhằm đào tạo các em trở thành họa sĩ mà thông qua các hoạt động tạo hình để khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mĩ vốn có của trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mĩ của bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Điểm nổi bật của phương pháp dạy học mới môn Mĩ thuật là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy và kết hợp nhiều quy trình trong một bài dạy như : Vẽ biểu cảm - Vẽ cùng nhau - Vẽ theo nhạc - Xây dựng cốt chuyện - Tạo hình con rối 2D/ 3D…… Thông qua những tiết học mĩ thuật hấp dẫn theo từng chủ đề học sinh đã tạo được những sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và cảm thụ cuộc sống một cách sinh động. So với phương pháp truyền thống thì phương pháp mới phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, tiết học thoải mái và sinh động hơn.Với phương pháp mới học sinh vừa học, vừa chơi, vừa sáng tạo và các em có cơ hội thực hành, ứng dụng trong học tập và cuộc sống nhiều hơn. Ưu điểm của phương pháp này là học sinh được tự do sáng tạo và khám phá ra những điều mới mẻ trong mỗi tiết học. Phương pháp mới còn phát triển khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình sản phẩm của mình trước đám đông, qua đó phát huy được tinh thần, tính đoàn kết trong các hoạt động nhóm được tăng cao.
Bước đầu áp dụng phương pháp mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ dạy học, thời gian điều tiết chương trình còn phụ thuộc vào hoạt động chung của nhà trường, các tiết học chưa liền mạch. Phương pháp mới đòi hỏi giáo viên phải thực sự tìm tòi, chuẩn bị chu đáo và chủ động vận dụng linh hoạt vào các chủ đề khác nhau, nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các học sinh. Thực hiện phương pháp mới học sinh sẽ gặp lúng túng trong việc trao đổi, thảo luận chủ để và chuẩn bị nguyên vật liệu thực hành….. Tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự sáng tạo, tâm huyết với nghề và không ngại khó khi tiếp cận phương pháp mới của giáo viên, học sinh sẽ có những tiết Mĩ thuật đầy lý thú và thực sự mới mẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh trong tiết học mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch.