- Phòng tránh tai nạn thương tích ở trường học:
Hiện nay tai nạn thương tích ở học sinh là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn những nguy cơ gây tai nạn thương tích đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của học sinh.
Tai nạn thương tích của học sinh trong nhà trường thường gặp là té ngã, va vào bàn ghế, vào mép tường, tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh bất cẩn khi vui chơi, bàn ghế hư hỏng sửa chữa không kịp thời, ngã do đùa nghịch,... Tai nạn thương tích của học sinh thường bị chấn thương phần mềm: xây xát ngoài da trên cơ thể (khuỷu tay, đầu gối, cằm, mặt,…).
Để tăng cường phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường, cần:
- Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh khi phát hiện học sinh mình chơi các trò chơi nguy hiểm.
- Phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh nhằm hạn chế các trò chơi nguy hiểm.
- Phối hợp với Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền và giám sát.
Một số biện pháp phòng tai nạn thương tích trong trường học như sau:
* Phòng ngã:
+ Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt.
+ Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can.
+ Bàn ghế hỏng, không chắc chắn cần phải được sửa chữa ngay.
+ Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, bảo đảm an toàn.
* Phòng ngừa bạo lực đánh nhau:
+ Giáo dục ý thức cho các em học sinh không được gây gổ, đánh nhau trong trường.
+ Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su,…
+ Xây dựng lớp học tự quản, đoàn kết.
* Phòng ngừa tai nạn giao thông:
+ Trường học phải có cổng trường và hàng rào bảo vệ.
+ Trong giờ ra chơi phải đóng cổng trường, không cho học sinh chạy ra ngoài đường chơi khi trường ở gần đường.
+ Hướng dẫn cho học sinh thực hiện Luật an toàn giao thông: ngồi trên xe máy, xe đạp điện cần đội mũ bảo hiểm,…
+ Tuyên truyền cho phụ huynh không đi xe máy trong khu vực sân trường.
* Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc
+ Bảng điện ở phòng học và các phòng chức năng khác phải để cao.
+ Không cho học sinh tới bếp nấu nướng và chia ăn ở nhà bếp.
+ Để thuốc và hóa chất ngoài tầm tay với của trẻ em. Không cho trẻ em tự uống thuốc.
2. Phòng bệnh theo mùa:
Thời tiết giao mùa nóng ẩm giữa mùa xuân và mùa hè là thời điểm mà nhiều vi sinh vật, cũng như các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Trẻ em là đối tượng dễ chịu tác động bởi những thay đổi này. Do đó, cần có những biện pháp phòng bệnh phù hợp để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Một số bệnh mà trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân – hè như: viêm kết mạc, thủy đậu, sốt phát ban, quai bị, cúm mùa, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp.
Phòng bệnh là các biện pháp chủ động giúp trẻ có thể không mắc hoặc giảm thiểu mắc bệnh trong giai đoạn giao mùa:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Hàng ngày tắm rửa sạch sẽ.
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với những người bị bệnh cúm, thủy đậu, quai bị,…
- Giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, lớp học sạch sẽ.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn chưa được nấu chín,…
- Tránh bị muỗi đốt.
- Giữ ấm cơ thể tránh bị nhiễm lạnh.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục hàng ngày.
Cô Tổng phụ trách thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về việc phòng tránh tai nạn thương tích trong các buổi chào cờ.
Nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để hạn chế trò chơi nguy hiểm của học sinh.
Những bữa ăn bán trú luôn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.
GV – HS tham gia tổng vệ sinh lớp học, khu vực quanh trường.