Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều khâu có liên quan đến thực phẩm như nông nghiệp, thú y, cơ sở chế biến thực phẩm, y tế, người tiêu dùng.
Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt triển khai tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời làm thay đổi hành vi, thói quen có nguy cơ dẫn đến nhiễm bẩn vi sinh trong thực phẩm. Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.
Hình ảnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lớp
Ngoài công tác tuyên truyền, Ban giám hiệu nhà trường tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú và công tác quản lý học sinh ăn bán trú tại trường như:
1. Nước (nguồn nước, kiểm nghiệm nước):
Nguồn nước sạch, lấy từ nguồn nước máy được cung cấp từ nhà máy sản xuất, đóng chai và có giấy chứng nhận kiểm nghiệm an toàn.
2. Thực phẩm, bếp ăn bán trú
- Quy trình bếp ăn:
Quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến thức ăn được làm theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bếp ăn sạch sẽ, thực phẩm được đựng trong các dụng cụ đảm bảo vệ sinh.
Hàng ngày, mỗi giáo viên, nhân viên được phân công trực giao – nhận thực phẩm có mặt tại bếp ăn từ 6 giờ sáng để kiểm tra về chất lượng và định lượng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn của trường, đối chiếu với phiếu xuất kho và thực đơn trong ngày.
- Về thực đơn, thực phẩm, dụng cụ, đồ dùng nhà bếp:
Bếp nấu ăn theo đúng thực đơn đã cập nhật theo thực đơn tuần; Thực phẩm được lấy từ các cơ sở đã đăng kí, đảm bảo an toàn. Dụng cụ đựng thực phẩm sạch sẽ; đồ dùng nhà bếp sạch đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến.
- Quy trình chế biến, lưu mẫu thực phẩm:
Nhân viên nhà bếp chế biến thức ăn theo đúng quy trình đảm bảo hợp vệ sinh, có sử dụng bảo hộ lao động, có lưu mẫu thức ăn trong tủ lạnh.
Hình ảnh quy trình sơ chế và nấu ăn của nhà bếp
3. Chăm sóc bán trú
Giáo viên thực hiện tốt việc chăm sóc học sinh, thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.
Hình ảnh công tác quản lý bán trú tại các lớp
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn thực phẩm và quy trình chế biến, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú cũng được nhà trường hết sức quan tâm. Sau giờ tan học buổi sáng, tại các lớp học, giáo viên phụ trách nhắc học sinh rửa tay bằng xà phòng và về vị trí ngồi ăn. Giáo viên chia cơm theo suất ăn và đôn đốc các em ăn hết phần của mình sau đó thu dọn bàn ăn gọn gàng, vệ sinh cá nhân sau khi ăn,…
Hình ảnh học sinh rửa tay trước và sau khi ăn
Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt quyết xây dựng môi trường lành mạnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Hy vọng rằng các em học sinh sẽ có kiến thức về an toàn thực phẩm và là cầu nối tuyên truyền vận động gia đình và cộng đồng hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để ngộ độc xảy ra, có như vậy “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” mới thực sự hiệu quả.