Như vậy, có thể nói không gian mạng ngày nay trở thành một không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, không gian mạng đang tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an ninh con người và trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng; lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không những thế, không gian mạng còn có thể bị lợi dụng gây nên những thiệt hại về tài sản, tinh thần, thậm chí cả tính mạng con người.
Thời gian qua, không ít những vụ lừa đảo qua mạng, hiện tượng “câu like”, “câu view” thông qua việc dựng lên những câu chuyện, những clip sai sự thật, đưa ra những nhận xét bình luận, chia sẻ gây ảnh hưởng xấu đến danh sự, uy tín của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Bối cảnh đó cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất là khi sự trải nghiệm cuộc sống của họ chưa đủ để có thể sàng lọc, “miễn dịch” trước những tiêu cực xã hội đa chiều, phức tạp. Bên cạnh đó, với âm mưu thâm độc lợi dụng tâm lý tuổi trẻ dễ tiếp cận cái mới, thích tự khẳng định mình, nhưng nhận thức các vấn đề chính trị- xã hội còn “chưa chín”, các thế lực thù địch, phản động luôn xem thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là một trong những đối tượng đặc biệt để thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình” với các hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Về hình thức tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng chủ yếu trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok... chúng sử dụng các chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, kích thích trí tò mò, hoài nghi trong giới trẻ về lịch sử, chế độ chính trị như: Xuyên tạc lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật; phủ nhận thành quả cách mạng; thành tựu phát triển đất nước; chê bai nói xấu chế độ; cổ súy tư tưởng “bài nội” “sùng ngoại”, tạo các diễn đàn trên mạng xã hội, cổ vũ giới trẻ tham gia truy cập và bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, mơ hồ, mất phương hướng chính trị trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng đăng tải thông tin sai lệch, cổ súy cho lối sống lệch chuẩn, gây ảnh hưởng tới nhận thức của thanh thiếu niên trở nên phức tạp. Từ những video clip, phát ngôn gây sốc, xuất hiện với vỏ bọc của sự hào nhoáng, lên mạng dạy đời, nói đạo lý, ca ngợi tình nghĩa đã thu hút lượng theo dõi đông đảo từ cộng đồng mạng nói chung và đặc biệt là giới trẻ nói chung; các đối tượng này nhanh chóng tạo thành các xu hướng, ngang nhiên trở thành “thần tượng” của một bộ phận không nhỏ giới trẻ mặc dù trong thực tế đây đều là những đối tượng có các hành vi vi phạm đã bị pháp luật xử lý. Không những thế các thế lực thù địch, phản động còn tăng cường phát tát các sản phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy lối sống thực dụng nhằm tha hóa giới trẻ, khơi dậy ham muốn bản năng, thói thích hưởng lạc, ích kỷ để lơ là học tập, rèn luyện, phấn đấu. Thực tế, từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết, dễ bị lôi kéo, một bộ phận thanh thiếu niên đã coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, quan tâm những lợi ích trước mắt hơn những lợi ích lâu dài, thích sống hưởng thụ, dễ dao động trước hoàn cảnh, thiếu kiềm chế, dễ nản chí khi gặp khó khăn, không dám đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác; bảo vệ cái đúng, cái tốt. Nhiều thanh niên ham chơi, bỏ học, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí là tụ tập băng nhóm, trộm cắp, hành xử kiểu giang hồ, gây rối trật tự công cộng.
Hiện nay, đứng trước những thách thức đặt ra như trên, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên cơ sở đó ngày 05/3/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa. Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Quán triệt tinh thần đó trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số nội dung sau để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng nhằm “nâng cao sức đề kháng” cho thanh thiếu nhi từ đó hình thành khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet; biết khai thác internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.
Thứ nhất, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả.
Thông qua việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, lồng ghép nội dung truyên truyền về Luật an ninh mạng qua các buổi sinh hoạt, hội họp kết hợp tuyên truyền miệng với tuyên truyền trực quan hình ảnh, video… qua đó cung cấp những kiến thức cơ bản và định hướng nhận thức, hành động cho đoàn viên, thanh niên tránh rơi vào âm ưu của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị; không tham giao vào các hoạt động tụ tập đông người, tuần hành hoặc có hành vi quá khích gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu nhi thông qua sinh hoạt, hội họp và hệ thống mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng và hướng dẫn đoàn viên nhận diện thông tin xấu, biết phân biệt đúng, sai khi tiếp cận xử lý các thông tin trên mạng; tuyên truyền vận động thanh niên, thiếu niên nhi đồng thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, có ích cho bản thân, các hội; không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc. Đồng thời giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên để có thể tự “miễn nhiễm” có “sức đề kháng ”, có cách bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc, xuất hiện trên không gian mạng.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Trung ương Đoàn trên không gian mạng với những thông tin tích cực, được thể hiện dưới dạng thức hấp dẫn như hình ảnh, bài viết, video, đồ họa thông tin.... nhằm chia sẻ, lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện mang giá trị nhân bản, lối sống nhân văn, tạo ra xu hướng tích cực trên mạng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời giúp “cạnh tranh” lấn át những thông tin xấu, độc hại.
Thứ ba, xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng
Báo chí, truyền thông chủ động thông tin chính thống, thông tin phản bác quan điểm sai trái, thù địch chính xác, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm định hướng, đặc biệt là quan tâm xây dựng các chuyên mục riêng về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên các trang báo điện tử.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục; nắm bắt phản ánh tình hình tư tưởng trong đoàn viên, hội viên, thanh niên; cung cấp thông tin chính xác, hiệu quả, kịp thời tới đoàn viên, hội viên, thanh niên, đặc biệt là những nội dung phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nói chung và trên không gian mạng nói riêng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể về vấn đề xây dựng gia đình nói chung, giáo dục trong mỗi gia đình nói riêng góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đạo đức, lối sống của thanh thiếu nhi. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục là gia đình - nhà trường-xã hội; trong đó, phát huy những ưu điểm của từng môi trường giáo dục để đi đến mục tiêu chung là tạo dựng nguồn lực con người Việt Nam chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống hoàn thiện về tri thức và kỹ năng nói chung và trên không gian mạng nói riêng.
Hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng bổ của mạng internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đã và đang chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và tiêu cực từ môi trường kinh tế - xã hội đó. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần quan tâm định hướng, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng từ đó tạo môi trường thuận lợi để thanh thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạch, những biểu hiện lệch chuẩn trong lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nói chung và trên không gian mạng nói riêng./.