Kính thưa các thầy, cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội chủ nghĩa, nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo …vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, suốt một đời thầm lặng như "người lái đò" đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức.
Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn là tấm gương về lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực. Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, thư viện trường tiểu học Lý Thường Kiệt giới thiệu tới quý bạn đọc cuốn sách viết về thầy Chu Văn An.
Thầy Chu Văn An (1292-1370) là một vị quan cuối đời Trần, cũng là một nhà giáo lỗi lạc, một thầy thuốc hết lòng vì nhân dân. Khi đỗ Thái học sinh, thầy trở về quê nhà mở trường dạy học và có rất nhiều học trò đỗ đạt. Sau ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho thái tử Trần Vượng. Đến đời vua Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo ông dâng sớ “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên gian nịnh nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ân (người hái củi ẩn dật) dạy học và viết sách cho tới khi mất.
Cuốn sách dày 227 trang, được nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2014. Hiện tại cuốn sách đang có trong tủ sách Danh nhân lịch sử tại thư viện trường. Mời các bạn tìm đọc.