1. Nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Tết, còn gọi là Tết cổ truyền của dân tộc, luôn mang ý nghĩa rất sâu sắc. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: nguồn gốc của Tết Nguyên Đán là như thế nào chưa?
Theo lịch sử Trung Quốc, Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và
thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương:
- Nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần.
- Nhà Thương thích màu trắng nên chọn tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm.
- Nhà Chu ưa màu đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng một làm tháng Tết.
Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ tạo thiên lập địa như sau:
- Giờ Tý thì có trời,
- Giờ Sửu thì có đất,
- Giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, trải qua bao thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc. Ông cho rằng:
-Ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà.
-Ngày thứ hai có thêm Chó.
-Ngày thứ ba có thêm Lợn.
-Ngày thứ tư sinh Dê.
-Ngày thứ năm sinh Trâu.
-Ngày thứ sáu sinh Ngựa.
-Ngày thứ bảy sinh loài Người.
-Và ngày thứ tám mới sinh ra Ngũ Cốc.
Vì thế ngày Tết thường được kể từ ngày mùng một cho đến ngày mùng bảy tháng
giêng (8 ngày). Nguyên nghĩa của Tết là “Tiết”. Văn hoá Việt - thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết là Tết Nguyên Đán.
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên Đán trước hết là Tết của gia đình. Chiều 30 Tết, nhà nhà làm lễ “rước” gia tiên và gia thần, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn.
Trong ba ngày Tết diễn ra ba cuộc gặp gỡ lớn ngay tại một nhà:
- Thứ nhất là cuộc gặp gỡ của các gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư - vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm. Thổ công - thần giữ đất nơi mình ở và Táo Quân - thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà.
- Thứ hai là cuộc gặp gỡ tổ tiên, ông bà,… những người đã khuất. Nhân dân quan niệm hương hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết.
- Thứ ba là cuộc gặp gỡ của những người trong nhà. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm Tết đền, dù đang ở đâu làm gì… hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình.
2. Ý nghĩa của Ngày Tết
Người Việt ăn mừng Tết với niềm tin thiêng liêng: Tết là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, ngày tạ ơn và là ngày hi vọng.
- Ngày Đoàn Tụ:
Tết luôn luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng để dành tiền và thời gian để về ăn Tết với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết để gặp mặt và quây quần cùng gia đình.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với người đã khuất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật pháp đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm Tết với các con các cháu.
Ngày Tết người ta cũng thường hay thực hiện các nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần theo huyền thoại là người ban phước cho gia đình chúng ta được nhiều sức khoẻ, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an lành hạnh phúc trong năm vừa qua.
- Ngày Làm Mới:
Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa nhà cửa. Hoặc làm mới về mặt tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ giữa người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần được thoải mái, tươi mát hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế giường tủ được lau chùi, phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hoà với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp.Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.
- Ngày Tạ ơn:
Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, cấp chủ nhân cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết.
- Ngày của lạc quan và hi vọng:
Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm mới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
Ngày Tết người ta đốt pháo nhiều để xua đuổi ma xui xẻo đi và đồng thời người ta múa rồng, múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn, thịnh vượng. Mùa Tết cũng là mùa cưới hỏi: các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp và đang mùa hi vọng. Họ hi vọng cho một cuộc đời mới, vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và sẽ có đàn con ngoan.