Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc. Trong kho tàng văn hoá Việt Nam, các trò chơi dân gian là một hình thức giải trí phản ánh phong tục tập quán của người Việt thuở xưa, được hình thành qua trí óc tưởng tượng tài tình của người lao động, nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác chủ yếu do nhu cầu giải trí của người dân và mô tả lại đời sống tự nhiên và xã hội. Trò chơi dân gian không đơn thuần là trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hoá độc đáo và giàu bản sắc.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, các đồ chơi bạo lực trên mạng Internet, bạo lực học đường cũng từ đó trở thành một vấn nạn của xã hội. Thiệt thòi hơn khi trẻ em ngày nay, đặc biệt là trẻ em thành phố với môi trường sống đô thị hóa mạnh mẽ không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước, không được tìm hiểu về cội nguồn qua những trò chơi ấy thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học không chỉ giúp khôi phục văn hóa cổ truyền mà còn tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Sau những giờ học căng thẳng trên lớp, trò chơi dân gian sẽ là những “món ăn” tinh thần bổ ích, sảng khoái cho học sinh. Nó không chỉ rèn luyện sức khỏe, khả năng, kỹ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa, không sa vào các trò chơi trực tuyến vô bổ tràn lan trên mạng Internet và các tệ nạn xã hội.
Thực tế cho thấy, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Phần lớn các trò chơi dân gian đều góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm các trò chơi vận động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò… có thể giúp học sinh tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết; trong khi đó, những trò chơi ít vận động hơn như: ô ăn quan, cờ gánh… lại giúp phát triển trí tuệ. Đặc điểm chung của các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi.
Xuất phát từ đặc điểm sân chơi hẹp, số lượng HS đông, ngay từ đầu năm học, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã chọn trò chơi: Nhảy ô, bắn bi, Ô ăn quan để tổ chức cho học sinh chơi. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi. Ô ăn quan dạy cho trẻ biết quan sát, rèn cho trẻ kĩ năng, kĩ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác. Trò chơi có thể chơi với tất cả các khối lớp, không phân biệt lứa tuổi, không chỉ dừng ở phạm vi các bạn quen thân chơi với nhau mà từ đây cũng giúp các em giao lưu, kết bạn, trở thành những người bạn mới của nhau, giúp đỡ nhau trong cả học tập lẫn cuộc sống hàng ngày. Qua thực tế sau hơn 2 tháng triển khai tại trường, trò chơi đã thu hút sự chú ý và hứng thú trong học sinh, giờ ra chơi các em luôn nhanh chóng xuống sân với mong muốn tìm cho mình một bàn chơi hấp dẫn, các em còn lại thì quan sát và cổ vũ cho các bạn chơi, tỉ lệ tai nạn thương tích nhỏ do việc chạy nhảy, nô đùa trong giờ ra chơi cũng giảm đi rõ rệt. Hơn nữa các em luôn được nhắc nhở giữ gìn vệ sinh các nhân, công tác đảm bảo vệ sinh được thực hiện triệt để.
Như vậy, trò chơi dân gian được tổ chức hợp lí sẽ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nhu cầu vận động của học sinh trong nhà trường, góp phần tích cực trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Chơi Nhảy ô
Chơi Nhảy ô
Cùng chơi Ô ăn quan
Giáo viên Tiếng Anh chương trình Language Link
thích thú chơi Ô ăn quan cùng học sinh.