Học sinh thực hành kéo người bị đuối nước bằng dây buộc 1 đầu vào can nhựa .
Cái nắng đầu mùa mới chớm, nhưng liên tục trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra. Đây không chỉ là nỗi đau, nỗi mất mát của bản thân các em của gia đình mà còn là tổn thất về mặt tinh thần của thầy cô, bạn bè, nhà trường và toàn xã hội. Theo thông kế của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016 số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích là trên 1.600 em, trong đó có gần 1.000 em bị tử vong do đuối nước. Điều đó cho thấy tình hình đuối nước của trẻ em vẫn còn rất nghiêm trọng. Chính vì vậy việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho các em học sinh có một vai trò hết sức quan trọng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, sáng ngày 27/3/2017 trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần 29, Liên đội tổ chức tuyên truyền xử lý khi gặp người bị đuối nước. Qua buổi tuyên truyền các em biết khi gặp người bị đuối nước việc làm đầu tiên là gọi to, báo hiệu cho người lớn biết, quan sát xung quanh nếu có sào dài, vật dễ nổi như can, áo phao, thùng xốp nhanh chóng ném xuống vị trí người bị đuối nước. Tuyệt đối không được tự ý nhảy xuống cứu kể cả bản thân các em biết bơi. Bên cạnh đó các em được trang bị thêm kiến thức để có thể phòng tránh được đuối nước như: Không chơi, đùa nghịch gần khu vực ao hồ, sông ngòi; Không tự ý đi bơi, đi tắm ở ao, hồ, sông, bể bơi khi không có sự giám sát của người lớn. Các em cũng cần tự trang bị kỹ năng cho mình bằng cách tham gia lớp phổ cập bơi. Cuối buổi tuyên truyền, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Tổng phụ trách, các em được lên sân khấu mô phỏng trải nghiệm kéo người bị đuối nước. Tôi thiết nghĩ buổi tuyên truyền dưới cờ là chưa đủ. Để không có thêm những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra cần lắm các hoạt động tuyên truyền, giáo dục khác. Đặc biệt là sự nhắc nhở, giám sát, quan tâm của các thầy, cô giáo, gia đình và cộng đồng xã hội.
Học sinh thực hành kéo người bị đuối nước bằng sào dài.