Cô giáo Phạm Hà Thu - cô giáo tiêu biểu về tài năng và sáng tạo. Nhiều năm liền cô đạt giáo viên giỏi cấp trường và cấp Quận, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp Quận và Thành phố. Cô không chỉ mang niềm vui, niềm tự hào cho trường Tiểu học Lý Thường Kiệt nói riêng mà còn đem niềm tự hào cho quận Long Biên nói chung vì trong phong trào thi Thiết bị dạy học tự làm do Sở giáo dục và đào tạo phát động, cô đã có những sáng kiến làm nhiều đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy đạt giải thành phố. Năm học 2011-2012 đồ dùng : Bảng gài đa năng dạy học Toán của cô đã đạt giải A1cấp Thành phố. Năm học 2015-2016 đồ dùng: Bộ số đa năng dạy học toán lớp 1,2,3 của cô đạt giải nhất thành phố. Đồ dùng của cô được các giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội và sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đánh giá tính ứng dụng cao trong học hoạt động dạy học Toán.
Đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội trao giải Nhất
Hội thi “Thiết bị dạy học tự làm” cấp Thành phố cho cô giáo Phạm Hà Thu
Bảng gài đa năng dạy học Toán lớp 1,2,3 - giải A1cấp thành phố năm học 2011-2012 đã tạo điều kiện trực tiếp cho người dạy và người học phát huy năng lực hoạt động nhận thức, tiếp cận thực tiễn, nâng cao tính khách quan khoa học của kiến thức. đồng thời tạo điều kiện để người học tự phát hiện và lĩnh hội kiến thức. Đây là một giải pháp sư phạm tạo những chỗ dựa ban đầu giúp học sinh nhận thức được các kiến thức trừu tượng; giải pháp này tác động vào hoạt động nhận thức của trẻ theo đúng quy luật: “ Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”.
Sử dụng “Bảng số đa năng dạy học toán lớp 1,2,3 ” (đồ dùng dạy học tự làm đạt giải Nhất cấp Thành phố năm học 2015-2016) đã giúp giáo viên có được bước đột phá trong đổi mới phương pháp dạy học. Dưới sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên, học sinh hào hứng, say mê học tập, tự tìm tòi khám phá, lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, hăng hái phát biểu xây dựng bài. Các em không chỉ nhanh học thuộc các bảng cộng, trừ, nhân, chia mà còn nắm chắc bản chất của phép tính, có kĩ năng tính toán tốt và vận dụng vào giải toán có lời văn hiệu quả. Trong lớp xuất hiện ngày càng nhiều học sinh học tốt môn Toán, các em thấy hứng thú, mong chờ mỗi khi đến giờ học Toán. Chất lượng học tập của học sinh đã được nâng cao rõ rệt.
Với những hiệu quả trên, nhà trường đã nhân rộng sản phẩm để các đồng chí giáo viên trong trường áp dụng. Các tiết học Toán trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự tập trung chú ý của học sinh. Học sinh thích học môn Toán, tự tin hơn trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Nhờ tiếp thu bài một cách dễ dàng, các em hiểu bài, làm được bài. Không những thế còn phát huy được năng lực học tập của nhiều đối tượng học sinh, p tạo cơ hội để các em phát huy, phát triển khả năng học Toán. Học sinh không những chỉ nắm vững được kiến thức, cách thức học ở lớp mà còn biết lắng nghe ý kiến của bạn, của cô giáo để tự kiểm tra kết quả học tập của mình. Học sinh biết trình bày ý kiến, tự tin, mạnh dạn, sáng tạo, say mê, hứng thú học tập. Tiết học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, góp phần nâng cao chât lượng giáo dục của khối, của trường.
Cô giáo Phạm Hà Thu luôn nuôi giữ cho mình một ngọn lửa tình yêu của sự đam mê nghề nghiệp. Chính ngọn lửa đó đã đưa cô đến bến bờ của sự thành công. Không chỉ đam mê nghề, yêu mến trẻ mà cô luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm để hình thành nhiệm vụ của mình là thi đua dạy tốt, thi đua từ những việc làm nhỏ nhất đến hoạt động chung của trường, những phong trào, cuộc vận động của ngành GD&ĐT thủ đô.
Lòng yêu nghề, tinh thần say mê sáng tạo của cô cũng đã truyền đến con gái đầu lòng Phạm Ngọc Mai. Hiện nay cháu Mai là sinh viên năm thứ hai khoa Tiểu học trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Chắc chắn rằng với lòng yêu nghề và sự đam mê của mẹ truyền lại, co giáo tương lại Phạm Ngọc Mai cũng sẽ vững vàng trên bục giảng.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Hà Thu luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, sắp xếp bố trí công việc khoa học để gánh vác trọn vẹn nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn, khối trưởng chuyên môn khối Một, thư kí hội đồng trường, người cô, người mẹ của học trò cũng như vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Cô chia sẻ: “Điều cần thiết đầu tiên đối với người thầy là phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, gương mẫu trước học sinh, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có đạo đức nghề nghiệp,tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc. Điều cần thiết nữa của người giáo viên là phải có lòng yêu nghề, hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp trồng người. Nếu không có lòng yêu nghề, mến trẻ, có trách nhiệm với học sinh thì dù người giáo viên đó có kiến thức sâu và rộng bao nhiêu đi chăng nữa cũng khó có thể trở thành người giáo viên dạy giỏi. Lòng yêu nghề vừa là động lực, vừa là mục tiêu giúp người giáo viện tìm ra những phương pháp, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Điều tiếp theo không thể thiếu đó là người giáo viên muốn dạy giỏi thì phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức xã hội sâu sắc, có phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ học sinh. Muốn vậy người thầy phải không ngừng trau dồi kiến thức, học tập để nâng cao kiến thức, học ở nhà trường, ở đồng nghiệp, học qua thực tế. Từ mỗi bài giảng của bản thân từ việc dự giờ thăm lớp của các đồng nghiệp trong trường, trong quận, qua những buổi học tập chuyên đề, rút kinh nghiệm về chuyên môn từ đó ngày càng hoàn thiện kiến thức và phương pháp dạy học, hoàn thiện kỹ năng sư phạm cho mình”.
Một bí quyết nữa được cô chia sẻ đó là luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình dạy học và giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, để mỗi giờ học trở nên sinh động cuốn hút học sinh hơn. Người giáo viên phải là người biết khơi gợi được trong các em sự say mê học tập, phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập, biến việc truyền thụ kiến thức của người thầy từ một phía thành việc quan hệ qua lại hai chiều giữa người dạy và người học, động viên khích lệ các em trong học tập, tạo hứng thú, ham thích học tập. Theo cô: Dù là người có kiến thức giỏi đến đâu nhưng nếu không có phương pháp giảng dạy khoa học, không tạo được sự chủ động, sáng tạo của học sinh thì không bao giờ đạt kết quả cao trong dạy học. Người giáo viên phải là người khơi dậy trong mỗi học sinh niềm đam mê học tập, vừa dạy cho các em kiến thức văn hóa vừa dạy cho các em đạo đức làm người, giáo dục toàn diện cho các em “ Đức - Trí - Thể - Mĩ” đây cũng là mục tiêu giáo dục trong các nhà trường hiện nay.
Mỗi vị cha mẹ học sinh khi con vào lớp Một trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, đều mong muốn được học lớp do cô giáo Hà Thu chủ nhiệm. Ban giám hiệu và đồng nghiệp trong trường đều ghi nhận: cô giáo Phạm Hà Thu là một tấm gương sáng về sự say mê, sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề dạy học.